Quy Ước Tộc Họ Phạm Đức ngành 2 (Bản trình Hội Đồng Dòng Họ & Quan Viên Họ )






QUY ƯỚC


Họ Phạm Đức ngành 2

Lời Nói Đầu


Hoạt động của dòng họ Phạm Đức ngành 2, thôn Xuân Đông, xã Ngũ Phúc luôn quán triệt phương châm “Bốn hướng”.

Đó là: Hướng Tâm - Hướng Thiên - Hướng Thiện - Hướng Tông. Nghĩa là mọi hoạt động của dòng họ phải xuất phát từ trái tim, thuận với lẽ trời, hợp với đạo lý và đích cuối cùng là hướng về sự bảo tồn, phát triển dòng tộc, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Không mục đích chính trị, kinh doanh vụ lợi.

Mục đích tổ chức và hoạt động của Hội đồng dòng họ là tập hợp, đoàn kết tất cả con cháu các đời trong dòng họ Phạm Đức có chung tâm nguyện hướng về cội nguồn, kết nối dòng họ, tri ân tiên tổ và các bậc tiền bối, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; khuyến học khuyến tài.

Vinh danh những người trong dòng tộc có công với dân, với nước; biểu dương người tốt việc tốt; giáo dục các thế hệ đi sau học tập, giữ gìn và phát huy những tinh hoa và truyền thống tốt đẹp của dòng tộc.

Hoạt động của dòng họ Phạm Đức thôn Xuân Đông, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng theo 9 chương và 22 điều quy ước sau đây.

Chương I: Tổ chức

Điều 1:

Mọi con cháu Họ Phạm Đức ngành 2, thôn Xuân Đông, xã Ngũ Phúc dù sinh sống ở đâu, trong nước Việt Nam hay ở nước ngoài, không phân biệt gái trai, già trẻ, giàu nghèo, sang hèn nếu thừa nhận phương châm Quy ước này và tự nguyện chấp hành đều được tham gia mọi hoạt động của dòng họ tổ chức.

Điều 2:

Hệ thống tổ chức của dòng Phạm Đức ngành 2, thôn Xuân Đông, xã Ngũ Phúc hoạt động theo Quy ước dưới sự điều hành của Hội đồng dòng tộc Phạm Đức gồm :

1. Tộc trưởng, các trưởng chi, các trưởng phái và một số vị thành viên trong các chi.

2. Hội đồng gia tộc bầu ra Trưởng Ban và Phó Trưởng Ban Hội đồng, thư ký, Kế toán, Thủ quỹ…

3. Họ Phạm Đức ngành 2 thôn Xuân Đông,xã Ngũ Phúc có 6 chi. Các chi, các phái bầu ra Ban Đại diện, trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện Quy ước và quyết định của Đại hội dòng họ Phạm Đức.

Điều 3 : Các Ban Chuyên Trách

Các Ban chuyên trách do Hội đồng dòng họ thành lập, gồm có:

1. Ban Lễ tân - Quản lý nhà thờ.

2. Ban Quản lý xây dựng các công trình của họ.

3. Ban Gia Lão, Khuyến học và trợ tang.

4. Ban Tài chính - Đối ngoại, hiếu hỉ, ma chay.

5. Ban biên tập Bản tin nội tộc.

6. Ban gia phả. 

Chương II


Quyền Hạn, Nghĩa Vụ Và Trách Nhiệm 

Của Các Thành Viên Trong Họ

Điều 4 : Quyền hạn :

1. Được ghi tên vào gia phả.

2. Được mang tên họ Phạm Đức đứng trước tên mình, con cái trong gia đình.

3. Được thờ cúng tổ tiên.

4. Được bình đẳng trong việc tham gia đóng góp ý kiến, bàn bạc, ứng cử và đề cử vào các công việc của họ; được đóng góp tiền của, ngày công vào mọi công việc của họ.

5. Cô họ khi đã lấy chồng, vẫn được quyền về dự các lễ, chạp hoặc tham gia đóng góp, cúng tiến, được tham gia bảo vệ uy tín gia phả, gia phong truyền thống của dòng họ.

6. Khi hoạn nạn, đau yếu thì được họ đến thăm hỏi, động viên. Khi qua đời được họ tổ chức thăm viếng và đưa đến nơi yên nghỉ cuối cùng.

Điều 5 : Nghĩa vụ và trách nhiệm :

1. Phải nghiêm túc thực hiện quy ước của dòng họ, chăm lo việc họ.

2. Đoàn kết, không chia rẽ, kéo bè chia phái trong họ.

3. Hoàn thành tốt nhiệm vụ khi được Hội đồng gia tộc phân công một cách tự giác, không tư lợi.

4. Có trách nhiệm đóng góp ngày công hoặc tiền của mỗi khi họ kiến thiết xây dựng hoặc tu tạo mà bổ đến xuất đinh.

5. Phấn đấu, giữ gìn gia phong và truyền thống tốt đẹp của dòng họ, không vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật.

6. Việc xưng hô giữa những người trong họ phải theo đúng thứ bậc. Không đặt tên con trùng với tên các Cụ Tổ.

7. Mọi người thuộc nội tộc, dù theo tôn giáo nào cũng phải đóng góp quỹ Họ, thờ cúng tổ tiên, cố gắng về giỗ tổ hàng năm.

8. Mọi người khi sinh con ( trai hay gái ) hay cưới vợ, lấy chồng, thành đạt…cần phải báo lên trưởng họ và hội đồng dòng họ để yết cáo tổ tiên và nhập họ, ghi vào gia phả ( có lễ hay không là tuỳ tâm và tùy hoàn cảnh).

9. Có trách nhiệm dạy bảo con cháu tu dưỡng đạo đức học tập tiến bộ mọi mặt. Nghĩa vụ các thế hệ là nối dõi phụng thờ Tổ tiên xứng đáng với truyền thống của dòng Họ.

10. Từ ngày quy ước này có hiệu lực, con cháu các đời trong tộc họ phải tuân theo quy ước, thượng tôn Phạm Đức. Các con trai được sinh ra đều phải khai sinh đúng họ đứng trước tên và chữ đệm khác (nếu có).

Chương III: Nhân sự


Điều 6 : Nhân Sự

1. Số lượng thành viên của Hội đồng Họ Phạm Đức ngành 2, thôn Xuân Đông, xã Ngũ Phúc không quy định cứng mà để số lượng “mở”, mỗi khi đến ngày cúng tổ sẽ bổ sung thêm thành viên và do hội đồng gia tộc quyết định.

2. Mỗi chi, mỗi phái của họ đề cử những người có đủ các tiêu chuẩn như Điều 7 vào Hội đồng dòng họ Phạm Đức trước mỗi ngày cúng tổ.

3. Hội đồng dòng họ Phạm Đức ngành 2, thôn Xuân Đông, xã Ngũ Phúc có một Trưởng ban hội đồng gia tộc, có 2 hoặc nhiều phó trưởng ban và các ủy viên.
 

Điều 7 : Tiêu Chuẩn Thành Viên Hội Đồng Dòng Họ Phạm Đức

1. Tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng dòng họ Phạm Đức ngành 2, thôn Xuân Đông, xã Ngũ Phúc :

2. Là người có tâm, có tinh thần tự nguyện, nhiệt tình, làm việc có trách nhiệm, có uy tín hướng về cội nguồn và có hiểu biết một lĩnh vực nào đó để có thể đóng góp cho hoạt động của dòng họ.

3. Người có sức khỏe để hoạt động, đi lại tốt bằng các phương tiện cá nhân, kinh tế lại không quá khó khăn, chí ít là có điện thoại, có xe máy...

4. Hoạt động của dòng họ Phạm Đức ngành 2, thôn Xuân Đông, xã Ngũ Phúc ta lâu nay chủ yếu là bằng cái tâm, tự nguyện với kinh phí tự lo bằng tiền túi, do đó phải chọn những người được gia đình, vợ con đồng tình và ủng hộ.

Điều 8 : Nhiệm Vụ Của Thành Viên Hội Đồng Dòng Họ Phạm Đức Ngành 2 Thôn Xuân Đông, Xã Ngũ Phúc.


1. Mỗi thành viên Hội đồng phải phấn đấu là cầu nối giữa Hội đồng với ban đại diện các chi, các phái họ mà mình được cử làm đại diện.

2. Chịu trách nhiệm triển khai các chủ trương của Hội đồng dòng họ đến ban đại diện các chi, các phái và cả họ.
 
3. Phải kiểm tra việc thực hiện của các chi, các phái và các thành viên dòng họ để các chủ trương của dòng họ được thực thi.

4. Trong một nhiệm kỳ phải làm được ít nhất một công việc cụ thể nào đó theo các định hướng nhiệm vụ mà dòng họ đã đề ra, được Hội đồng dòng họ phân công.

Điều 9 : Tái Cử Hội Đồng Dòng Họ


Điều kiện để được tái cử vào Hội đồng dòng họ Phạm Đức ngành 2, thôn Xuân Đông, xã Ngũ Phúc khóa kế tiếp:

1. Đủ tiêu chuẩn như quy định tại Điều 6.

2. Trong nhiệm kỳ vừa qua hoạt động có hiệu quả được tín nhiệm đề cử tái tham gia Hội đồng.

Điều 10: Trưởng họ

1. Trưởng họ là người cùng huyết thống, thường do con trưởng hoặc cháu trưởng nắm giữ, cũng có thể là con thứ, cháu thứ của chi thứ nhất nếu đủ điều kiện, năng lực để lo việc họ và được dòng họ suy tôn;

2. Trưởng họ là người có phẩm chất, có tư cách đạo đức, được mọi người trong họ tin tưởng, tín nhiệm.

3. Trưởng họ là người sinh sống tại xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thuỵ, thành Phố Hải Phòng để thuận tiện chăm lo việc họ.

Trách nhiệm Trưởng họ :

1. Trưởng họ là chủ lễ, trực tiếp thực hiện việc thờ cúng tổ tiên theo đúng phong tục tập quán địa phương.

2. Trưởng họ là người đứng ra giải quyết tất cả việc trọng đại của dòng họ; giải quyết các mối quan hệ trong dòng họ, quan hệ xã hội liên quan đến dòng họ và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong dòng họ.

3. Trưởng họ có trách nhiệm tổ chức trông nom, giữ gìn bảo quản nhà thờ họ, tổ chức các kỳ cúng lễ, chủ trì các nghi lễ lớn trong dòng họ.

4. Trưởng họ phải biết tận dụng sức mạnh tổng hợp của toàn họ, biết khơi dậy những mạnh thường quân để tháo gỡ mọi khó khăn và hoàn thành mọi chủ trương của họ.

5. Trưởng họ là người đứng ra tiếp nhận các nguồn tài trợ của các cá nhân hay tập thể và báo cáo với Hội đồng dòng họ trong cuộc họp gần nhất.

6. Chủ trì, đề xuất các công việc của họ hàng năm và đôn đốc, theo dõi thực hiện khi đã có quyết định chung.

 

Chương IV :
Chức Năng Và Nhiệm Vụ Của Hội Đồng Gia Tộc

Điều 11 : Hoạt Động

1. Mọi hoạt động của dòng họ được quyết định do Hội đồng dòng họ quyết định thông qua các cuộc họp, biểu quyết bằng đa số.

2. Nghiêm cấm việc lợi dụng diễn đàn dòng họ để bàn về chính trị và những vấn đề không liên quan đến công việc của Họ.

Điều 12 : Nhiệm Kỳ Hội Đồng Dòng Họ

Thời hạn nhiệm kỳ của Hội đồng dòng họ Phạm Đức ngành 2, thôn Xuân Đông, xã Ngũ Phúc.
Thời gian hoạt động của Hội đồng họ là 5 năm.

Điều 13 : Nhiệm Vụ Hội Đồng Dòng Họ


1. Thường niên tổ chức Lễ Dâng hương tưởng niệm tổ tiên :

+ Ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng giêng.

+ Ngày 22/06 (Ngày hiếu nhật Phạm Gia Chính Thất Trung Thị Hiền).

+ Ngày Rằm tháng Bảy.

+ Ngày 18 tháng 08 (ngày hiếu nhật cụ tổ Phạm Quý Công Tự Phúc Bồi).

+ Ngày 04/12 (Ngày hiếu nhật Cụ Bà Nguyễn Kim Lan).

+ Ngày 14/01 (Ngày hiếu nhật Cụ Bà Nguyễn Thị Nguyên).

+ Ngày chạp tổ 25 tháng 12 âm lịch hàng năm.

2. Tiếp tục sưu tầm, điều tra thực tế, kết nối dòng họ Phạm Đức xã Ngũ Phúc thông về với Khởi tổ họ Phạm Đức.

3. Chuẩn bị các điều kiện để tái bản Phả ký, Ngoại phả, Phụ khảo họ Phạm Đức xã Ngũ Phúc những lần tiếp theo cho đầy đủ, chất lượng và phong phú hơn.Tổ chức việc giao lưu trong dòng họ thông qua các phương tiện hiện có. Mở rộng giao lưu bằng các hình thức: Kết nối các thành viên trong dòng họ họ Phạm Đức xã Ngũ Phúc bằng việc thành lập các nhóm kín thông qua mạng Internet để tiện trao đổi thông tin, hình ảnh, chia sẻ các hoạt động của họ

4. Phối hợp cùng các ban ngành, tiếp tục kêu gọi, huy động bà con họ tộc, con cháu hảo tâm đóng góp sức người sức của để nâng cấp nhà thờ họ và lăng mộ tổ ngày càng khang trang kiên cố hơn; tìm kiếm, tôn tạo, quy tập, chăm sóc mộ phần các bậc tiên tổ của dòng họ để con cháu sinh sống ngày càng phát đạt và hưng vượng.

5. Phê duyệt các dự án và bảo vệ, trùng tu, tôn tạo từ đường, lăng mộ, mua sắm đồ thờ cúng.
 
6. Lập kế hoạch thu chi và kiểm soát thu chi.

Điều 14 : Nhiệm vụ của các Ban Đại diện ở các chi, các phái.

Căn cứ vào quy chế hoạt động của họ, chương trình hành động của Đại hội dòng họ Phạm Đức triển khai thực hiện ở chi mình bảo đảm hài hòa và có hiệu quả. 

1. Phát hiện những gương người tốt, việc tốt để viết bài biểu dương trên tập san định kỳ, bổ sung tư liệu mới vào Phả ký. 

2. Phát hiện những trường hợp khó khăn cần sự giúp đỡ để tìm biện pháp hỗ trợ.


Chương V
Khuyến Học Khuyến Tài - Mừng Thọ


Điều 15 : Hoạt động khuyến học.

1. Vì sự phát triển hưng thịnh của mỗi gia đình và của dòng họ, cần làm tốt công tác khuyến học - khuyến tài dòng họ.

2. Xây dựng quỹ khuyến học - khuyến tài, phối hợp với Ban khuyến học xã, với các chi theo dõi tình hình phấn đấu công tác, học tập của con cháu trong họ.

3. Lập danh sách và vinh danh khen thưởng con cháu trong họ có thành tích xuất sắc trong công tác và học tập.

4. Thời gian, mức tiền thưởng và các hình thức được vinh danh khen thưởng do Hội đồng dòng họ quyết định theo thực tế và kinh phí hiện có.

5. Khuyến học là một hoạt động thường xuyên hằng năm vào ngày giỗ Tổ nhằm khuyến khích động viên việc học tập rèn luyện để trở thành nhân tài phục vụ cho xã hội, với đạo lý “Học để làm người ” để mọi thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chăm lo đến việc học tập của con mình,
 

Điều 16 : Hoạt động Mừng Thọ

Người Việt Nam ta vốn rất coi trọng chữ hiếu, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, (Kính lão đắc thọ, Kính già già để tuổi cho), bởi vậy, mỗi người thêm một tuổi là thêm sự kính trọng, tôn vinh từ phía gia đình, họ hàng, làng xóm. Việc chúc thọ là lòng hiếu thảo của con cháu đối với Ông, Bà, Cha, Mẹ. “Kính già, trọng thọ” là truyền thống tốt đẹp từ hàng ngàn đời nay của dân tộc ta, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của con cháu với người cao tuổi. Cùng với việc chăm sóc và phụng dưỡng, biết ơn ông bà cha mẹ trong đời sống thường ngày, đó là đạo lý, là truyền thống vô cùng tốt đẹp của người Việt Nam chúng ta.

1 : Xây dựng quỹ Mừng Thọ Người Cao Tuổi.

2 : Tộc họ Phạm Đức Tổ chức chúc Thọ người cao tuổi theo các các tuổi sau đây : Tuổi 70 và tuổi 75 (tổ chức mừng thọ), Tuổi 80 và tuổi 85 (tổ chức mừng thượng thọ), tuổi 90 và tuổi 95 (tổ chức mừng thượng thượng thọ), tuổi 100 (tổ chức mừng đại thọ).

3 : Phối hợp với các chi lập danh sách và vinh danh, chúc thọ người cao tuổi trong họ tộc.

4 : Thư chúc thọ và quà mừng thọ người cao tuổi do Hội đồng dòng họ quyết định theo thực tế và kinh phí hiện có.

5 : Thời gian tổ chức mừng thọ người cao tuổi vào các dịp đại lễ giỗ tổ hàng năm.


Chương VI : Quản lý nhà thờ họ.


Điều 17 : Quản lý và hoạt động tại Nhà thờ


1. Đất đai trong khuôn viên Nhà thờ cùng các tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu và là tài sản vô giá của dòng họ; cấm mọi hành vi cho mượn, cho thuê, cầm cố, thế chấp, mua bán.

2. Nhà thờ họ được coi như điểm hội tụ, thờ cúng tổ tiên, ông bà, những người anh hùng, những danh nhân, những người có công với đất nước, làm lưu danh dòng họ trong lịch sử của đất nước, của dân tộc.
 
3. Nhà thờ họ cũng là nơi lưu giữ gia phả, văn tự cổ cùng những sắc phong, tượng thờ, bài vị cùng những điển tích về dòng họ.
 
4. Nhà thờ họ cũng là nơi lưu giữ những di vật của tổ tiên. Đây có thể được coi như một bảo tàng thu nhỏ của dòng họ bởi nó chứa đựng rất nhiều thông tin về dòng họ.

5. Các hoạt động tại Nhà thờ họ bao gồm: thờ cúng, họp họ, họp Hội đồng dòng tộc, họp Chi, Phái và các hoạt động khác của họ.
 
6. Đồ thờ phải được giữ nguyên vị trí đã sắp đặt. Mọi sự thay đổi, bổ sung đồ thờ phải được sự đồng ý của Hội đồng dòng tộc.

7. Việc tu sửa, nâng cấp nhà thờ họ do Hội đồng dòng họ đề nghị, Hội nghị toàn họ quyết định.

8. Nhà thờ và các tài sản thuộc nhà thờ giao uỷ quyền cho Trưởng họ trông coi, quản lý.

9. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà thờ tổ giao cho trưởng ban hội đồng dòng họ đương nhiệm quản lý, khi bàn giao phải có biên bản bàn giao, và có sự chứng kiến của hội đồng dòng họ. Trưởng ban hội đồng dòng họ chịu trách nhiệm trước hội đồng dòng họ về việc gìn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà thờ tổ.

10. Mọi tài sản của Họ, kể cả đồ thờ, Gia phả, Đồ phả, sổ đỏ phải được ghi vào Sổ Tài sản của họ. Việc kiểm kê tài sản được thực hiện mỗi năm một lần.

Chương VII : Tài Chính



Điều 18 : Tài Chính Dòng Họ

Tài chính của dòng họ Phạm Đức ngành 2, thôn Xuân Đông, xã Ngũ Phúc được hình thành từ các nguồn:

1. Từ sự đóng góp của mỗi thành viên trong họ theo suất đinh (quỹ xây dựng, hương khói) và theo hộ gia đình (hiếu hỷ) hàng năm sau khi được bàn bạc thống nhất. Mức đóng tùy thuộc vào nhu cầu của dòng họ theo từng giai đoạn.

2. Từ sự ủng hộ hoặc tài trợ không điều kiện của các cá nhân hoặc tập thể trong và ngoài dòng họ, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

3. Từ nguồn tiền công đức tại Lễ Dâng hương (thùng công đức) được tổ chức hàng năm và những nguồn thu khác (nếu có).

4. Từ các đồ thờ cúng, nhà cửa đất đai của họ.

Điều 19: Quỹ họ và quản lý quỹ họ.


1. Quỹ của dòng họ Phạm Đức ngành 2, thôn Xuân Đông, xã Ngũ Phúc được quản lý, chi tiêu hợp lý và tiết kiệm.
 
2. Mỗi năm 1 lần (vào dịp cúng tổ) và cuối nhiệm kỳ đều có bản quyết toán tài chính công bố công khai để mọi thành viên được biết và giám sát. Nếu có người chất vấn, bất luận người đó là ai (trong họ tộc) về bất kỳ một khoản chi nào, thì Hội đồng dòng họ có trách nhiệm giải trình công khai và bằng văn bản.

3. Quản lý quỹ họ thực hiện trên nguyên tắc tài chính công khai theo đúng quy định quản lý tài chính Nhà nước. Phải có đủ chủ tài khoản, kế toán và thủ quỹ. Tuyệt đối không được đóng vai vừa kế toán vừa thủ quỹ; Chủ tài khoản, kế toán và thủ quỹ không thuộc cha con, vợ chồng, anh em ruột.

4.
Tiền quỹ phải gửi tiết kiệm qua ngân hàng không ai được quyền giữ riêng và cũng không cho cá nhân vay.

5. Mọi tài sản của họ, kể cả đồ thờ, gia phả, phả đồ, sổ đỏ phải ghi chép vào sổ tài sản của họ và việc kiểm kê tài sản được thực hiện mỗi năm 1 lần.

Chương VIII: Khen thưởng và kỷ luật



Điều 20 : Khen Thưởng

1. Người có công đóng góp được biểu dương, khen thưởng; người có khuyết điểm chiếu theo quy chế dòng họ để phân giải, giáo dục.

2. Người có công lao đóng góp lớn cho công việc của dòng họ, khi xin nghỉ hoạt động có lý do chính đáng thì được Hội đồng dòng họ xét tặng phẩm lưu niệm. Giá trị của tặng phẩm nhiều hay ít tùy sự đóng góp của đương sự và khả năng tài chính của Họ.

3. Người có thành tích xuất sắc trong các mặt hoạt động của xã hội được Đảng, Nhà nước vinh danh, có công đối với dòng họ Phạm Đức xã Ngũ Phúc được tôn vinh thì được ghi chép vào trang “sổ vàng” của dòng họ và kèm theo hiện vật nếu có.

4. Các cháu học sinh, sinh viên trong dòng họ đạt danh hiệu xuất sắc hàng năm được tôn vinh trong Lễ cúng Tổ tiên và được nhận tặng phẩm. Đặc biệt là các cháu có giải Quốc gia và Quốc tế.

5. Giá trị tặng phẩm do Hội đồng dòng họ bàn và quyết định hàng năm, tùy thuộc vào quỹ vốn của dòng họ.

Điều 21 : Kỷ Luật


Người nào vi phạm các điều khoản trong bản Quy ước này, đặc biệt là Điều 10 và Điều 17 thì sẽ được nhắc nhở, nếu cố ý tái phạm sẽ bị từ chối tham gia tiếp.


Chương IX: Điều khoản thực hiện


Điều 22 :


Quy ước này có hiệu lực thi hành từ ngày cúng tổ họ Phạm Đức xã Ngũ Phúc, huyện Kiến THuỵ, thành phố Hải Phòng lần thứ nhất, ngày…………, tức ngày ……………………… 2024.

Hội đồng dòng họ, Trưởng họ và mọi thành viên trong dòng tộc Phạm Đức ngành 2 có trách nhiệm thực hiện đúng Quy ước này.

Trong quá trình thực hiện, khi thấy cần thiết, Hội đồng dòng họ sẽ đề nghị bổ sung hoặc sửa đổi nội dung các điều khoản cho phù hợp với thực tế.





Hội đồng dòng họ Phạm Đức ngành 2

Thôn Xuân Đông, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng.

Trưởng Ban Hội Đồng Dòng Họ


Thư Ký Hội Đồng Dòng Họ
 Phạm Đức Sáng (Đời 8)
Tộc Họ Phạm Đức Ngũ Phúc Kiến Thụy

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn